Gắn với câu chuyện tình yêu lãng mạn trong truyền thuyết, lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung là một trong những lễ hội lớn nhất cả nước. Lê hội thu hút nhiều du khách phượt tới thăm.
1.Truyền thuyết một tình yêu
Truyền thuyết kể rằng, Chử Đồng Tử quê ở làng Chử Xá, xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, con trai của ông Chử Cù Vân và bà Bùi Thị Gia. Do vợ mất sớm,cha của chử đồng tử một mình nuôi con. Không may một lần bị hỏa hoạn, 2 bố con chỉ còn một cái khố, phải thay nhau dùng.Không lâu sau, ông Chử Cù Vân bị bệnh nặng, trước khi qua đời, ông gọi con lại bảo rằng hãy giữ chiếc khố cho bản thân. Thương cha nên Chử Đồng Tử liệm khố cho cha, còn mình chịu cảnh không quần không áo, hàng ngày mò cua bắt cá kiếm sống ven sông.
Thời đó, Hùng Vương thứ ba có cô con gái tên là Tiên Dung, đến tuổi cập kê mà vẫn chưa chịu lấy chồng. Một hôm thuyền rồng của Tiên Dung đến thăm vùng Chử Xá. Nghe tiếng chuông trống, đàn sáo lại thấy nghi trượng, người hầu tấp nập, Chử Đồng Tử hoảng sợ vội vùi mình vào cát lẩn tránh. Thuyền ghé vào bờ, Tiên Dung dạo chơi rồi sai người quây màn ở bụi lau để tắm, ngờ đâu đúng ngay chỗ của Chử Đồng Tử. Nước tạt vào dần làm lộ người chử đồng tử, Tiên Dung thấy vậy lại hỏi han rồi muốn nên duyên vợ chông.
Sau khi nên duyên cùng Chử Đồng Tử, công chúa Tiên Dung bị vua cha nổi giận nên không quay về cung mà ở lại cùng chồng mở bến, lập chợ, cùng dân buôn bán tạo thành một khu vực giao thương sầm uất. Trong quá trình buôn bán, hai người tiếp tục tầm sư học đạo, đi khắp nơi chữa bệnh giúp dân. Chử Đồng Tử sau đó còn hiển linh giúp Triệu Quang Phục diệt giặc xâm lược, dựng thành đại nghiệp
2.Đặc sắc Lễ hội chử đồng tử – tiên dung
Đây là một trong các lễ hội lớn, là điểm du lịch thu hút đông đảo du khách thập phương tới tham quan chiêm bái. Mở màn lễ hội là các làng thuộc tổng Mễ tổ chức đội hình rước kiệu thánh từ đình làng về đền Đa Hòa. Con rồng dài hơn 20 mét đi đầu đoàn rước kèm theo tiếng trống liên hồi mọi người phấn khởi. Sau đám rước kiệu thánh là hội rước cờ, múa sinh tiền, kiệu long đình, kiệu chóe nước,…
Sau cùng là ba kiệu rước Chử Đồng Tử, Tiên Dung công chúa, Tây Sa công chúa. Sau khi lấy nước ở sông Hồng về, các kiệu trở về Đền Hóa lễ thánh. Đi đầu là hai bô lão cùng hai nam, hai nữ dâng nước vào đền. Theo tục lệ, nước được dùng để cúng phải là nước lấy ở giữa sông Hồng. Người đại diện cho dân làng lấy nước là cụ già có đức độ trong làng. Dâng nước là hình thức tâm linh cầu nguyện một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu.
Lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung mang giá trị văn hóa sâu sắc, là bức tranh về đời sống phong phú, sinh động của người Việt cổ vùng đồng bằng Bắc Bộ trong việc khai phá đầm lầy, phù sa ven sông Hồng từ hàng ngàn năm trước. Đồng thời là bài ca về lòng hiếu thảo, đề cao vai trò của người thầy thuốc, phản ảnh ước mơ bình dị của người dân trong xã hội phong kiến, với mong muốn được tự do yêu đương, tự do hôn nhân vượt khỏi lễ giáo gò bó.
Lễ hội Chử Đồng Tử – Tiên Dung là lễ hội tình yêu độc đáo nhất cả nước, thể hiện đậm nét về mảnh đất, con người Hưng Yên.