Muaphuot.com– Ẩm thực Thái Lan có sự kết hợp giữa nhiều nền văn hóa của các nước lân cận như Ấn Độ, Trung Quốc, Myanmar, Indonesia… Tuy nhiên, ẩm thực Thái Lan không hề bị hòa tan hay lu mờ trước ẩm thực của các quốc gia này mà tự tạo nên cho mình một nét riêng, độc đáo và hấp dẫn.
Đặc điểm chung của ẩm thực Thái Lan
Là hương vị món ăn vô cùng đậm đà, mỗi vị chua, mặn, ngọt, đắng, cay của món ăn Thái đều được thể hiện hết sức rõ ràng. Món Thái khi chế biến được cho vào rất nhiều loại gia vị và hương liệu khác nhau. Tuy dùng nhiều nhưng không gây ra sự hỗn tạp mà mỗi loại gia vị, mỗi loại hương liệu đều được sử dụng một cách hợp lý và chính xác, cân đong đo đếm trên từng món ăn. Ngoài các loại gia vị thông thường, người Thái còn sử dụng là các loại thảo mộc cho các món ăn như: đinh hương, nghệ tây, húng quế, rau mùi, bạc hà, sả, lá chanh (Kaffir Lime), ớt, gừng, riềng… để tăng thêm mùi vị và làm cho món ăn trở thành thực phẩm chức năng, có lợi cho sức khỏe. Người Thái thích vị chua, cay nên gia vị được ưa chuộng là ớt, chanh và sả.
Món Thái đặc biệt đậm đà, không chỉ ở hương vị mà cả màu sắc, với nhiều sắc màu sặc sỡ. Đó là do sự kết hợp giữa thịt, cá, tôm… với gia vị và nhiều loại rau củ mang những màu sắc khác nhau. Khi một món Thái được đặt lên bàn, thực khách luôn luôn ấn tượng đầu tiên bởi sự bắt mắt của nó, màu sắc kích thích vị giác, tạo cho món ăn thêm ngon miệng.
Đặc trưng 4 vùng miền ẩm thực Thái Lan
Miền Bắc
Ảnh hưởng từ Myanmar, món ăn của người miền Bắc thường là món vừa chín tới, ít gia vị nồng, ít cay và hầu như không có vị ngọt và chua. Xôi là món ăn được ưa thích cùng nhiều loại nước chấm (namprik noom, namprik dang, namprik ong) các loại súp cay khác nhau (gang hangle, gang hoh, gang kae). Các món ăn phổ biến: kaeng hang le: món cà ri chế biến từ thịt lợn, gừng, me, nghệ và món khao soy: cà ri nấu với mì trứng, thịt cùng hành tây, bắp cải dầm dấm và lá chanh thái chỉ. Người miền Bắc thích ăn thịt lợn nhất, sau dó là thịt bò, gà, vịt, chim…hải sản có rất ít.
Ẩm thực của miền Đông Bắc
Thái Lan mang đậm dấu ấn của người láng giềng anh em Lào. Trong đó, xôi được xem là món ăn chính, thường ăn cùng với thịt, tiết lợn, nộm đu đủ, cá nướng, gà nướng… Món ăn của miền này thường ăn chung với món som tam và món kai yang (gà nướng). Ở đấy các loại gia súc và gia cầm ít nên nên cá nước ngọt và tôm là nguồn cung cấp prôtêin chủ yếu. Ngoài ra, người vùng này rất thích ăn thịt rán như thịt cóc, thằn lằn, rắn, chuột đồng, kiến đo, côn trùng… Thịt lợn, bò, gà cũng rất được ưa thích.
Miền Trung
Người Thái ở miền Trung thích ăn món nấu mềm và nhừ với một chút vị ngọt. Cách trang trí món ăn cũng mang tính nghệ thuật cao. Thông thường, bàn ăn thường được trang trí với rau và hoa quả cắt tỉa cẩn thận. Ẩm thực miền Trung đôi khi là sự kết hợp những món ăn ngon nhất của các vùng khác. Tại miền Trung, người ta có thể tìm thấy mọi món ăn của tất cả các miền khác , và cũng tại miền Trung, các món ăn vùng miền khác đạt đến tiêu chuẩn của nó.
Miền Nam
Ẩm thực miền Nam ảnh hưởng của Ấn Độ và Indonesia như mãn kaeng matsaman, món cà ri mang phong cách Ấn nấu cùng bạch đậu khấu, đinh hương, quế và những xiên thịt nướng với nước xốt đậu phộng cay bắt nguồn từ Indonesia. Thường món ăn rất cay, sử dụng nhiều gia vị. Các món ăn mang hương vị đặc trưng của miền Nam là các món canh xúp, cà ri (gang liang, gang tai pla) , món khao yam gồm cơm trộn với nước sốt budu. Hải sản tươi sống phổ biến như: cá, tôm, tôm hùm, cua, mực ống, sò, trai.
Ẩm thực Thái vô cùng phong phú, đa dạng và không kém phần độc lạ, nổi tiếng thế giới, mang những hương vị riêng, không bị hòa lẫn bởi bất cứ quốc gia nào khác. Món ăn Thái có vị chung là chua, cay; đặc biệt là vị cay khá nồng. Các món mặn hay tráng miệng đều có nhiều chủng loại, rất ngon và dễ ăn, giá cả mềm. Nếu có dịp đến với “Xứ sở Chùa Vàng” thì đừng nên bỏ qua cơ hội thưởng thức được nhiều nhất các món đặc sản của đất nước này.