Muaphuot.com– Làng Cổ Đường Lâm thuộc địa phận thị xã Sơn Tây, Hà Nội là một địa điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội. Cùng khám phá kinh nghiệm phượt làng cổ đường lâm nhé!

1.Vài nét về làng cổ Đường Lâm

Làng cổ Đường Lâm thuộc địa phận huyện Sơn Tây, Hà Nội, cách trung tâm thành phố chỉ khoảng 44km. Đường Lâm là quê hương của Ngô Quyền và Phùng Hưng nên được gọi là “đất hai vua”. Cho đến ngày nay, làng Đường Lâm vẫn lưu giữ được những nét đặc trưng cơ bản của một ngôi làng ở Bắc Bộ có cổng làng, cây đa, bến nước, sân đình,… với 956 ngôi nhà truyền thống. Năm 2006, Đường Lâm trở thành làng cổ đầu tiên ở nước ta được Nhà nước trao bằng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

2.Di chuyển đến làng cổ Đường Lâm

Làng cổ Đường Lâm cách thủ đô Hà Nội 44km nên du khách tham gia du lịch Hà Nội muốn đến khám phá nét đẹp làng cổ Đường Lâm có rất nhiều phương tiện di chuyển để lựa chọn.

Thường thì ô tô và xe máy sẽ được nhiều du khách và người dân thủ đô lựa chọn nhất. Đơn giản vì đây là 2 phương tiện rất tiện lợi để di chuyển những quãng đường ngắn.

Từ Hà Nội, du khách đi xe hướng về đại lộ Thăng Long, đến ngã ba Hòa Lạc thì rẽ phải vào đường số 21, tiếp tục di chuyển theo đường này du khách sẽ gặp ngã tư giao với đường 32 thuộc thị xã Sơn Tây.

Đến đây, du khách có thể hỏi đường vô làng Đường Lâm từ người dân địa phương.

3. Phượt làng cổ đường lâm chơi gì?

Những điểm du lịch không thể bỏ qua khi du lịch làng cổ Đường Lâm.

Phượt làng cổ đường lâm chơi gì?

  • Cổng làng Mông Phụ
  • Đình làng Mông Phụ
  • Nhà thờ Thám hoa Giang Văn Minh
  • Các ngôi nhà cổ: Nhà của ông Hà Nguyên Huyến, Ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Hùng, Nhà cổ của chị Dương Lan…
  • Giếng cổ Đường Lâm
  • Đền thờ Phùng Hưng (Bố Cái Đại Vương)
  • Đền thờ và Lăng Ngô Quyền
  • Chùa Mía (Sùng Nghiêm Tự)

Kết hợp với một số địa điểm khác gần Đường Lâm như:

  • Thành cổ Sơn Tây
  • Đền Và (Đông Cung)
  • Đền Măng Sơn
  • Các điểm tham quan khu vực Ba Vì

4.Kinh nghiệm ăn uống khi đi làng cổ Đường Lâm

Gà mía

Đây là một sản vật quý, thể hiện cho sự ăn nên làm ra, sự sung túc và đủ trong mỗi gia đình nên trước đây đây là món “đặc sản tiến Vua”. Hoặc chỉ những dịp Tết đến xuân về hay hội làng, lễ lạt, dân làng mới làm gà mía dâng lên tổ tiên. Đến nay gà mía không còn hiếm như xưa nhưng vẫn là một trong những sản phẩm nông nghiệp cao cấp, được thị trường ưa chuộng vì vị ngon đậm đà của nó. Gà mía có đặc điểm chân nhỏ, lông vàng, khi luộc chín tới thịt có màu trắng, mỡ vàng, da rất giòn nên khi đến với Đường Lâm, du khách thường sẽ được giới thiệu món gà mía trong các bữa ăn trưa tại đây.

Tương Chấm

Tương cũng có nhiều loại khác nhau như tương bần Hưng Yên, tương nếp Cự Đà nhưng mỗi loại có một hương vị riêng, tương Đường Lâm cũng vậy, tuy không rất nổi tiếng như những loại kể trên nhưng cũng là đặc sản hiếm có của vùng đấy.

Tương Đường Lâm không sản xuất kiểu rầm rộ như ở các địa danh khác nhưng cũng cầu kỳ lắm. Các nguyên vật liệu phải được lựa chọn cẩn thận, từng công đoạn làm phải chính xác, tỉ mỉ mới ra được một chum tương ngon. Ngay kể cả đến chum sành đựng tương cũng phải lựa chọn loại chum sành thật già, đánh và chum kêu loong coong mới được.

Đây là nghề cha truyền con nối ở đất Đường Lâm và rất nhiều gia đình ở làng vẫn còn giữ được nghề này để phục vụ cho chính nhu cầu của gia đình mình, sau mới là phục vụ nhu cầu của khác du lịch.

Đến với Đường Lâm, món ăn không thể thiếu là rau muống chấm tương hoặc cà dầm tương, hoặc có nhiều thời gian hơn thì chủ nhà có thể chế biến món thịt luộc dầm tương để đãi khách.

Bánh tẻ

Bánh tẻ Đường Lâm cũng có những nét khác biệt so với các vùng khác. Bánh tẻ các nơi khác gói bằng lá chuối, hình khum khum nhưng ở đây gói bằng lá dong, có hình dáng thon dài và nhân trải đều dọc theo sống lá. Một vài nơi pha lẫn bột gạo nếp vào với bột gạo tẻ để bánh dẻo thơm nhưng ở Đường Lâm thì chỉ có bột gạo tẻ đúng với tên gọi của bánh.

Chè lam và kẹo dồi

Rất nhiều nhà cổ trong làng vẫn còn giữ được nghề làm kẹo này mà khi khách vào thăm nhà rất dễ dàng bắt gặp cảnh người nhà đang nấu kẹo chè lam hoặc đang cắt kẹo mời khách thưởng thức cùng với chén trà xanh. Ngay ở điếm canh cạnh đình làng Mông Phụ cũng có bà cụ bán nước chè xanh với chè lam, kẹo dồi nổi tiếng mà ngay khi tới đó khách du lịch đã sà vào hàng của cụ.