Lễ hội Đền Hùng, Phú Thọ là một lễ hội quốc gia để tưởng nhớ các vua Hùng đã có công dựng nước. Phong tục giỗ tổ Hùng Vương đã trở thành truyền thống văn hoá lâu đời ở nước ta thu hút nhiều khách du lịch tới thăm.
1.Nguồn gốc lễ hội đền hùng
Truyền thuyết kể lại rằng: Kinh Dương Vương sinh một con trai, sau nối ngôi vua cha niên hiệu là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng nở ra một trăm người con là tổ tiên của người Bách Việt. Một hôm vua Lạc Long Quân bảo bà Âu Cơ: “Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó”.
Vì vậy, năm mươi người con theo mẹ lên núi, năm mươi người con theo cha về miền biển. Lạc Long Quân phong cho con trưởng Hùng Vương nối ngôi, làm vua. Trải qua 18 đời, Hùng Vương thứ 18 đã nhường ngôi cho Thục Phán – An Dương Vương.
Để ghi nhớ công ơn của các Vua Hùng có công khai thiên, lập địa, vua Lê Thánh Tông năm 1470 và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, chọn ngày 11 và 12 tháng 3 âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Đến thời nhà Nguyễn – năm Khải Định thứ 2 chính thức chọn ngày 10 tháng 3 Âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ các Vua Hùng và nhắc nhở mọi người Việt Nam cùng tưởng nhớ thờ cúng Tổ tiên.
2.Diễn biến lễ hội đền hùng
Lễ hội đền Hùng gồm hai phần chính: Phần lễ và phần hội. Phần lễ được cử hành một cách trang trọng đúng nghi thức với sự tham gia của nhiều vị chức sắc trong làng cũng như các chính khách ở Trung ương về dự. Lễ vật dùng trong nghi thức tế lễ gồm có: Bánh chưng, bánh dày, lợn, dê, bò. Khi tiếng nhạc phường bát âm cất lên cũng là lúc chủ tế bắt đầu đọc lời nguyện trước ngai thờ các vị vua Hùng, trước là báo công sau là cầu phước. Cứ mỗi lần cụ chủ tế đọc lời tế trong sớ là kèm theo một hồi trống và chiêng hiệu. Sau tiếng trống và chiêng đoàn tế tiến lên phía trước tiền đường quỳ lạy và lại lùi về sau. Nghi thức diễn ra cho đến khi lời nguyện trong sớ được cụ chủ tế lần lượt đọc hết.
Đoàn kiệu cờ hoa, ô lọng rực rỡ, các cỗ kiệu được sơn son thiếp vàng do các nam thanh nữ tú của làng rước. Các cụ cao niên chức sắc mặc lễ phục kiểu quan triều đình thời phong kiến, quần thụng, áo quan, mũ cánh chuồn hoặc khăn xếp, chân đi hài cao. Không khí đám rước vô cùng đông vui và tấp nập, người xem chen chân nhau di theo để lên tới đền thượng.
Phần hội của được diễn ra khá sớm, bắt đầu từ ngày mùng 8 âm với nhiều hoạt động vui nhộn đậm chất văn hóa dân gian. Đây là phần người dân mong chờ nhất và cũng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ khách thập phương. Đi trẩy hội đền Hùng mà chưa tham gia vào các hoạt động văn hóa dân gian, các trò chơi dân gian thật là uổng phí.
Trong hội có phần thi hát Xoan, một loại hình âm nhạc cổ của người Phú Thọ, một số câu hát Xoan cũng được đưa vào nghi lễ hát thờ. Hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần này của người dân đã có từ lâu đời và lưu truyền tới nay. Ngoài ra, trong lễ hội còn có phần hát ca trù ở dưới đền Hạ, phần hát này do ban tổ chức mời phường hát về trình diễn mừng lễ hội thành công.
Lễ hội Đền Hùng Phú Thọ là phong tục đẹp trong truyền thống của người dân đất Việt. Và từ rất lâu đời trong tâm thức dân gian, vùng đất Tổ đã trở thành “Thánh địa linh thiêng” của cả nước, nơi phát nguyên nguồn gốc dân tộc.