Con đường gốm sứ ven sông Hồng xuất phát từ ý tưởng của họa sĩ, nhà báo Nguyễn Thu Thủy là một công trình nghệ thuật trong chương trình chào đón đại lễ 1000 năm Thăng Long của nhân dân thủ đô Hà Nội thu hút hàng triệu lượt khách du lịch.
Được xây dựng nhân kỉ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, con đường gốm sứ từng là niềm tự hào của người dân Thủ đô khi được ghi danh vào kỷ lục Guinness là “bức tranh ghép gốm lớn nhất thế giới”.
Được khởi công xây dựng từ năm 2008, con đường gốm sứ ven sông Hồng (Hà Nội) dài gần 3.950m, diện tích khoảng 7.000 m2. Với 21 trường đoạn tái hiện dòng chảy lịch sử Việt Nam, bức tranh gốm sứ ven sông Hồng tạo một điểm nhấn đặc biệt dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long. Con đường gốm cũng là nơi chứng kiến cuộc mưu sinh của bao người dân lao động, bươn chải kiếm sống ở thủ đô.
Không chỉ có sự tham gia của các nghệ sĩ trong nước như các nhà điêu khắc Bùi Viết Đoàn, Hà Huy Mười, các họa sĩ Lê Huy Tiếp, Ngô Bá Hoàng, Phan Thanh Sơn, Phạm Viết Hồng Lam…, Con đường Gốm sứ còn có sự góp mặt từ rất sớm của các nghệ sĩ nước ngoài như nghệ sĩ gốm Joel Bennett (Phó Giáo sư trường Đại học Mỹ thuật Santa Rosa – California, Mỹ) đến từ tháng 5-2007 tham dự trại sáng tác với các nghệ sĩ Việt Nam tại Bát Tràng.
Hai vợ chồng nghệ sĩ Jon Pounds và Olivia Gude (lãnh đạo Nhóm nghệ thuật công cộng Chicago – Mỹ) đã tới Việt Nam từ đầu năm 2008 và trực tiếp làm những viên gạch gốm đầu tiên, hai nghệ sĩ Pháp Jacob Raymond và Dominique De Miscault đã tự tay hoàn thành đoạn sử thi “Đẻ đất đẻ nước” của dân tộc Mường trên đường đê sông Hồng, nghệ sĩ gốm Đan Mạch Michael Geertsen tham gia hoàn thành 60m² đoạn tranh gốm hiện đại trên đê Yên Phụ, các nghệ sĩ Hà Lan tài trợ một đoạn tranh mang dấu ấn hội họa Van Gogh, 2 nghệ sĩ người Mỹ Joe Breman và Joe Bennett với đoạn tranh mang chủ đề “nhịp điệu âm nhạc”, nghệ sĩ gốm người Anh Paul Scott với đoạn tranh mosaic hoa lam nền trắng đơn giản, những tác phẩm của 3 nghệ sĩ Arghentina, nhiều nghệ sĩ đến từ các nước Hungary, Mexico, Brazil, Tây Ban Nha, Croatia, Đài Loan… đặc biệt Học viện Gốm sứ Ý đã chọn một người sang tham gia làm Con đường Gốm sứ bằng một cuộc thi được tổ chức hẳn hoi.
Theo nhà báo, họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, Phần lớn kinh phí của công trình đều dựa vào cộng đồng, nguồn tài trợ của xã hội và cả nguồn vốn tự xoay của hai vợ chồng. Cả hai đã bỏ nhiều tiền của dành dụm để chạy dự án trong giai đoạn đầu. Thậm chí, anh Cường phải lần lượt từ giã những chiếc xe cổ, niềm đam mê của mình để cùng vợ đầu tư cho con đường gốm sứ. Chúng tôi làm như vậy không vì một mục đích riêng nào ngoài tình yêu Hà Nội và khát vọng muốn cải thiện không gian sống, quảng bá nghề gốm truyền thống của người Việt ra thế giới, cùng sự góp sức của xã hội đã tạo niềm tin thành công cho dự án.
Con đường gốm sứ ven sông Hồng là một công trình công cộng đầu tiên tại nước ta mang nhiều ý nghĩa đặc biệt. Từ khi công trình hoàn thành, không chỉ Hà Nội có một món quà quý giá mừng Đại lễ Ngàn năm mà người Việt Nam cũng có kỷ lục độc đáo để tự hào với thế giới.
Cũng từ đây, con đường đã trở thành một điểm đến không thể thiểu của du khách mỗi khi đến thăm quan Hà Nội. Và hơn hết, hình ảnh đất nước cũng như những giá trị văn hóa, mỹ thuật được quảng bá một cách hiệu quả ra thế giới.