Muaphuot.com– Chùa Dơi Sóc Trăng còn gọi chùa Mã Tộc (hay chùa Mahatúp) là quần thể kiến trúc đẹp mắt, và là ngôi chùa duy nhất thờ Phật Thích Ca của cộng đồng dân tộc Khmer sinh sống trên địa bàn tỉnh. Sỡ dĩ có tên như vậy vì khuôn viên chùa là nơi sinh sống của bầy dơi đông đúc.
1.Lịch sử Chùa Dơi Sóc Trăng
Theo thư tịch cổ còn lại có ghi chép: Chùa được khởi công xây dựng vào từ năm 1569, cách nay đã hơn 440 năm. Từ đó đến nay chùa được trùng tu nhiều lần. Năm 1960 Chùa sửa chữa lớn ở chánh điện. Năm 1999, Chùa Dơi ở Sóc Trăng đã được công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia.
Đến năm 2008, Chùa Dơi Sóc Trăng bị cháy ngôi chánh điện. Vào tháng 4 năm 2009, chánh điện chùa đã được phục chế lại như cũ. Năm 2013, khu du lịch Chùa Dơi Sóc Trăng được đưa vào hoạt động, nằm phía đối diện cổng chùa, có bãi đậu xe rộng rãi, và các dịch vụ tiện ích khác như nhà hàng chùa Dơi, xe điện…
2.Chùa Dơi – ngôi chùa mang đậm dấu ấn người Khmer
Chùa Dơi là một điểm đến thanh bình với thiên nhiên xanh, là nơi cư trú của hàng vạn con dơi quạ.
Chùa gồm 3 công trình kiến trúc chính là chánh điện, Sala và nhà thờ cố lục cả Thạch Chia, người có công trong việc trùng tu lại ngôi chùa. Tất cả đều được xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống Khmer ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
Tòa chánh điện mới được xây dựng lại trên nền cũ và được sơn son thiếp vàng , bên ngoài trang trí hoa văn đẹp mắt với tâm điểm là bức tranh Đức Phật nhập niết bàn. Mái chùa được chạm trổ hoa văn rắn thần Naga tinh xảo, phần tiếp giáp giữa cột đỡ và phần mái có biểu tượng tiên nữ Kemnar.
Bên trong chánh điện là bức tượng Phật Thích Ca cao khoảng 2m, đặt trên bệ thờ cao khoảng 1,5m. Dọc theo 4 bức tường là những tấm phù điêu vẽ hình sự tích Đức Phật từ lúc sinh ra đến khi nhập niết bàn. Rời tòa chánh điện, chúng tôi ghé qua dãy nhà sala nằm ở phía đối diện. Đây là nhà hội của sư sãi, tín đồ và phòng nghỉ của sư trụ trì, đồng thời cũng là nhà khách. Đến đây, du khách sẽ có cơ hội được xem dàn nhạc cổ truyền Khmer biểu diễn, với nhạc công là các chú bé người bản xứ. Những đôi tay bé nhỏ đánh, gõ thoăn thoắt tạo ra nhưng thanh âm vui tai, khiến nhiều du khách hào hứng hòa theo điệu nhạc.
3.Chùa Dơi Sóc Trăng có nhiều hình kiến trúc lạ
Ngoài những biểu tượng độc đáo này, du khách còn có cơ hội chiêm ngưỡng các quần thể kiến trúc đẹp với nhiều tượng được đúc chạm tinh xảo, mang đậm dấu ấn tâm linh, đưa con người đến chân – thiện – mỹ.
Điểm đặc biệt của chùa Dơi là sự xuất hiện và sinh sống lâu đời của nhiều loài Dơi. Sự tồn tại và sinh sôi phát triển song song với sự tồn tại của chùa Dơi khiến cho người dân nơi đây không thể biết chính xác số lượng Dơi sinh sống nơi đây. Với quan niệm Dơi là điềm phúc, người dân nơi đây đã xem những đàn dơi khổng lồ như một vật thể sống không thể tách rời, thân thiện và gần gũi như những con vật nuôi trong nhà, đây là loại thuộc loại dơi quạ to con, có trọng lượng từ 1 – 1,5kg với sải cánh rộng đến 1.5m, chúng thường có 2 màu đặc trưng là vàng – đen trông khá bắt mắt. Tuy là loài động vật ăn hoa quả nhưng đàn dơi này thường không bao giờ ăn quả chín trong vườn Chùa Dơi Sóc Trăng, mà thường hay bay đi xa để kiếm ăn.
Ban ngày, đàn dơi sẽ treo mình lủng lẳng trên những cành cây như những chùm trái chín. Đến khoảng 6h chiều, chúng sẽ bắt di tản đi kiếm ăn và quay về vào khoảng 5h sáng ngày hôm sau, một điều kỳ lạ là khi bay đàn dơi này thường lượn vòng chứ không bay thẳng qua nóc ngôi chính điện của Chùa Dơi Sóc Trăng