Mang đậm nét kiến trúc Pháp cổ, đã từ lâu, Nhà thờ Lớn Hà Nội là nơi lý tưởng để du khách từ khắp nơi tới thăm. Với những người theo đạo Thiên Chúa thì Nhà thờ Lớn là lễ đường tuyệt vời để dự lễ, cầu nguyện. Cùng mùa phượt khám phá điểm đến thú vị này nhe

1. Lịch sử Nhà thờ Lớn Hà Nội

Theo một số tài liệu ghi chép lại thì khu đất xây Nhà thờ Lớn xưa kia là nơi Chùa Báo Thiên tọa lạc. Ngôi chùa được xây dựng từ đời nhà Lý. Được biết, Báo Thiên Tự là một ngôi Quốc tự nổi tiếng của kinh đô Đại Việt trong suốt các triều đại từ Lý – Trần – Lê – Nguyễn.

Đến cuối thế kỷ 18, chùa Báo Thiên bị phá hủy và nền chùa trở thành đất họp chợ của người dân Đại Việt lúc bấy giờ. Sau đó, chính quyền đã chuyển giao cho giáo hội Công giáo để xây dựng thành nhà thờ.

Lịch sử Nhà thờ Lớn Hà Nội

Ban đầu nhà thờ được xây tạm bằng gỗ để phục vụ sinh hoạt tín ngưỡng cho các giáo dân. Đến năm 1884 nhà thờ bắt đầu xây dựng khang trang hơn bằng gạch đất nung. Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong quá trình thi công nhưng nhà thờ vẫn hoàn thành đúng dịp Lễ Giáng sinh năm 1888.

Dù được biết đến với tên gọi chính thức là Nhà thờ Chính tòa Thánh Giuse nhưng người dân và du khách vẫn quen gọi là Nhà thờ Lớn. Có lẽ vì quy mô và nét độc đáo trong kiến trúc của Nhà thờ đã khiến người dân nghĩ đến cái tên này.

Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, Nhà thờ Lớn được xem là “nhân chứng” chứng kiến sự “thay da đổi thịt” của Hà Nội trong suốt 3 thế kỷ qua. Mặc dù có nhiều công trình hiện đại mọc lên nhưng Nhà thờ Lớn vẫn là một công trình kiến trúc tạo được dấu ấn đặc biệt trong lòng người dân Hà Nội và du khách gần xa.

2.Kiến trúc độc đáo nhà thờ lớn hà nội

Nhà thờ được thiết kế theo phong cách kiến trúc Gothic trung cổ châu Âu, rất thịnh hành trong thế kỷ 12 và thời Phục Hưng ở châu Âu, làm theo mẫu của Nhà thờ Đức Bà Paris với những mái vòm uốn cong, rộng, hướng lên bầu trời. Vật liệu xây dựng chính của nhà thờ là gạch đất nung, tường trát bằng giấy bổi. Nhà thờ có chiều dài 64,5m, chiều rộng 20,5m và hai tháp chuông cao 31,5m với những trụ đá to nặng bốn góc. Trên đỉnh là cây thánh giá bằng đá.

Phía sảnh trong nhà thờ, có một cửa đi lớn, hai cửa nhỏ hai bên tháp. Các cửa đi và toàn bộ các cửa sổ đều cuốn nhọn theo nghệ thuật Gothique, kết hợp với các cửa cuốn nhọn là những bức tranh Thánh bằng kính màu rất đẹp và hài hòa tạo ra nguồn ánh sáng tự nhiên bên trong lòng nhà thờ. Khu cung thánh được trang trí theo nghệ thuật dân gian truyền thống, chạm trổ hoa văn bằng gỗ sơn son thiếp vàng rất tinh vi độc đáo. Ở tòa gian chính có tượng thánh Giuse bằng đất nung cao hơn 2m.

Nhà thờ còn có một bộ chuông Tây, gồm bốn quả chuông nhỏ và một quả chuông boòng lớn, trị giá 20.000 franc Pháp thời đó. Đặc biệt là chiếc đồng hồ lớn gắn giữa mặt tiền nhà thờ. Đồng hồ có báo khắc, báo giờ, hệ thống chuông báo được liên kết với 5 quả chuông treo trên hai tháp.

Trung tâm quảng trường phía trước nhà thờ có đài Đức Mẹ bằng kim loại, xung quanh nhà thờ có đường kiệu, bồn hoa, phía sau có hang đá. Hiện nay toàn bộ không gian và cảnh quan nhà thờ bị chen lấn bởi sự phát triển của đô thị, mất đi sự tương xứng với quy mô đồ sộ của nhà thờ.

Trải qua hơn 100 năm cùng những thăng trầm của thời gian và cả chiến tranh, Nhà thờ Lớn vẫn tồn tại và là một trung tâm hoạt động Công giáo của Thủ đô và các vùng phụ cận. Công trình được xem là kiến trúc nhà thờ tiêu biểu và là một trong những nhà thờ Công giáo đẹp nhất của Thủ đô và cả nước.

3.Các hoạt động tại Nhà thờ lớn hà nội

Các hoạt động tại Nhà thờ lớn hà nội

Nhà thờ thường có 2 thánh lễ vào ngày thường và 7 thánh lễ vào chủ nhật. Ngày 19 tháng 3 hằng năm, nơi đây sẽ tổ chức lễ rước thánh Quan thầy của Tổng giáo phận Hà Nội. Trong những hôm hành lễ, người dân thường nghe tiếng nhạc vang lên cùng những bài cầu kinh trong Nhà thờ lớn. Đây cũng là nơi diễn ra các buổi xá tội dành cho giáo đoàn. Như những nhà thờ khác, lễ Giáng Sinh và lễ Phục Sinh là 2 lễ lớn nhất ở nhà thờ, thường tổ chức những buổi hành lễ linh đình, tấp nập người công giáo đến cử hành buổi lễ.

4.Ăn và chơi tại nhà thờ lớn hà nội

Không chỉ là địa điểm tôn giáo nổi tiếng của thủ đô, Nhà thờ lớn Hà Nội còn là điểm đến thu hút rất đông các bạn trẻ và du khách tới tham quan, chụp ảnh. Đặc biệt vào dịp Noel là lúc Nhà thờ lớn được trang hoàng lộng lẫy nhất với những cây thông được trang trí cầu kì và ánh đèn lung linh đa màu sắc. Tuy nhiên bạn sẽ cần phải tới từ sớm bởi chỉ chập choạng tối là nơi đây đã đông nghẹt người.

Đến khu nhà thờ Lớn Hà Nội mà bạn bỏ qua “đặc sản trà chanh chém gió” thì quả là đáng tiếc. Chỉ là những cốc trà thêm lát chanh thơm cùng đĩa hướng dương nhưng nó lại trở thành thương hiệu của khu vực này, nơi các bạn trẻ có thể tha hồ tụ tập ngắm nhà thờ và tí tách buôn đủ chuyện trên trời dưới biển.

Bạn cũng đừng bỏ qua rất nhiều món ngon xung quanh nhà thờ như nem nướng, bánh tráng trộn, bún dọc mùng, cháo sườn, bánh gối, bánh rán khi đi chơi ở khu Nhà Thờ đã thành thói quen của người dân Hà Nội. Bánh gối nóng hổi, vỏ giòn tan, bánh rán to và có màu đặc trưng, thơm nức là những món hấp dẫn không thể chối từ khi đến đây.

Đến khu Nhà Thờ để ngắm nhà thờ đẹp hoành tráng với lối kiến trúc Gothic đặc trưng, chụp một cái ảnh làm kỷ niệm và thưởng thức những món ăn hấp dẫn trứ danh ở đây thì còn gì tuyệt hơn. Đây là khu ăn uống và vui chơi được giới trẻ Hà Nội và khách du lịch nước ngoài cực kỳ yêu thích.

Nhà thờ Lớn Hà Nội có nhiều điểm hấp dẫn như vậy, hãy note vào danh sách  điểm đến “nhất định phải đi” bạn nhé. Chúc bạn có chuyến đi vui vẻ ý nghĩa nhé!