Muaphuot.com– Từ xưa tới nay, đặc sản Sóc Trăng luôn là nét hấp dẫn riêng biệt hấp dẫn khách thập phương đến với mảnh đất miền Nam này. Ai đã một lần đặt chân tới đây, chắc chắn sẽ không quên được dư vị của những thức quà giản dị nhưng khó tìm này.
1.Vú sữa tím Đại Tâm

Ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên từ lâu nổi tiếng với loại vú sữa tím vì có vị ngọt thanh, hạt nhỏ, vỏ mỏng, khi chín vỏ trái màu tím than, căng mọng rất đẹp mắt. Mùa vú sữa chín ở xã Đại Tâm bắt đầu từ tháng 12 kéo dài đến ra Giêng.
Do đặc thù là vùng đất giồng cát cao, rất thuận lợi cho việc trồng và phát triển của cây vú sữa nên Đại Tâm được xem là “thủ phủ” vú sữa đầu tiên ở Sóc Trăng khi toàn xã có hàng chục ngàn cây vú sữa được trồng rải đều tại các ấp.
2.Cá bống sao
Cá bống sao là món ăn đặc sản ở Cù Lao Dung. Cá có đốm xanh, da lấm tấm trắng li ti, tuy nhỏ nhưng ăn rất chắc thịt. Người dân địa phương thường dùng cá bống kho tiêu hoặc kho khô (theo tiếng địa phương là “kho chồn”).
Khi nấu lên, thịt cá chuyển đỏ tạo hiệu ứng thị giác thật sự bắt mắt. Hương thơm ngào ngạt tỏa ra từ mùi của rau gia vị các loại, vị bùi bùi của gan cá tan chảy trong miệng, ăn mấy bát cơm trắng dẻo thơm cũng thấy không đủ!
3.BÁNH PÍA SÓC TRĂNG- đặc sản Sóc Trăng
Nói đến đặc sản Sóc Trăng làm quà thì không thể không kể đến bánh pía, một loại bánh có nhiều lớp da, bên trong là nhân trứng vịt muối đỏ au, đậu xanh vàng ươm và mùi sầu riêng tỏa hương ngào ngạt. Ngày nay loại bánh này còn có nhiều phiên bản khác nhau như khoai môn hay đậu xanh cho khách hàng lựa chọn nhưng loại được ưa chuộng nhất vẫn là nhân sầu riêng trứng muối.
Bạn có thể dễ dàng tìm thấy loại bánh này trong hầu hết các siêu thị hay tiệm tạp hóa trong thành phố nhưng được tận mắt nhìn thấy quy trình làm bánh công phu và thưởng thức miếng bánh ngon vừa mới ra lò sẽ khiến bạn thích thú.
4.Bánh cóng

Đây là một món ăn của người Khmer ở Sóc Trăng. Bánh cóng hay còn có tên gọi khác là bánh cống, bánh sầy hoặc sài cá nại theo tiếng Khmer. Bánh cóng ngày nay trở nên khá phổ biến ở nhiều tỉnh thành khác.
Bánh có vỏ làm từ bột gạo, bột đậu nành và trứng, còn nhân bánh là thịt heo băm ướp gia vị và trộn với củ hành tím xắt nhỏ và một ít đậu xanh hấp. Bánh cóng nhìn cực kì đẹp mắt và hấp dẫn.
Từng chiếc bánh vàng ruộm, lại nổi lên hình tôm đỏ, ăn cùng với các loại rau thơm, rau sống như húng lủi, quế, xà lách, cải xanh, chấm nước mắm chua ngọt với gừng thái nhỏ, cải đỏ, cải trắng… khiến người ăn khó mà ngán được. Hương vị đặc trưng đầy nét cuốn hút của bánh cóng làm bất cứ ai cũng phải mê mẩn.
5.Bánh ống – đặc sản Sóc Trăng
Bánh ống từ lâu được người Khmer coi là món ăn vặt quen thuộc. Bánh được làm từ bột gạo xay nhuyễn trộn với nước lá dứa, đường, nước cốt dừa sau đó đem hấp cách thủy trong ống tre tạo nên màu sắc, hương thơm tự nhiên hấp dẫn.
6.Mè láo Sóc Trăng
Đến Sóc Trăng, bạn sẽ được người dân nơi đây khoản đãi món bánh mè láo – một món ăn đặc biệt do người Hoa ở Sóc Trăng sáng tạo ra. Giống như bánh pía, bánh mè láo từ lâu đã trở thành một thú vui tao nhã, nét văn hóa đặc trưng của người dân Sóc Trăng. Mỗi khi có khách quý đến chơi nhà, bạn sẽ được gia chủ thiết đãi vài viên mè láo cùng trà nóng để trò chuyện.
Là món ăn truyền thống, mè láo thường có mặt trong các dịp lễ tết Trung thu, tết Nguyên Đán. Để tạo nên những viên bánh này thì chỉ cần khoai môn, bột nếp và không thể thiếu mè, đường.
7.Khô trâu Thạnh Trị
Khô trâu từ lâu đã có một sức hấp dẫn lạ kỳ nhờ thịt ngon, ngọt và bổ dưỡng không thua gì thịt bò. Khô trâu Thạnh Trị được chế biến cũng giống như khô bò nhưng muốn cho miếng khô thơm, ngon, mùi vị hấp dẫn, người làm phải chọn cho được thịt đùi, đùi sau càng tốt rồi thái (lóc) bỏ hết gân trước khi đem xắt thành lát nguyên vẹn, tiếp theo là ướp gia vị vào gồm xả bằm, muối, tỏi, ớt,… khoảng nửa ngày cho ngấm. Sau đó đem phơi nắng hoặc sấy trong lò.
Khô thành phẩm sẽ là những miếng khô thật mỏng, thơm lừng vị xả và mùi thịt trâu đặc trưng. Nắng càng tốt thịt càng ngon, bình quân cứ 3 kg thịt tươi có thể làm được 1 kg khô, do đó giá khô phải cao gấp ba lần giá thịt.
Để thưởng thức khô trâu cũng có rất nhiều cách, nhưng ngon nhất vẫn là nướng, ngoài ra còn có món gỏi khô trâu nhắm cùng với bia và đĩa củ kiệu cũng ngon tuyệt.
8.Lạp xưởng Vũng Thơm

Vùng đất Vũng Thơm là cái nôi của những món đặc sản hàng đầu của tỉnh Sóc Trăng. Các cơ sở ở đây đều sản xuất cả bánh pía và lạp xưởng.
Lạp xưởng là món ăn rất quen thuộc của người dân, thực phẩm này rất dễ bảo quản và chế biến. Có thể chiên, hấp hay nướng qua rồi thái lát mỏng là có đĩa lạp xưởng thơm phức màu nâu đỏ rất đẹp mắt. Thêm chút đồ chua rau, cà chua, củ kiệu là đã có thể “lai rai” có thể ăn với cơm cũng rất ngon. Nhưng hẳn ít ai hiểu và tận mắt thấy những cây lạp xưởng ngon lành đó được làm ra như thế nào.
Nghề làm lạp xưởng gia truyền ở Vũng Thơm có rất nhiều loại khác nhau phù hợp với vị giác của từng người, với các loại như: lạp xưởng thịt, lạp xưởng tôm, lạp xưởng gà…
9.Bánh gừng
Bánh gừng được làm từ bột gạo nếp, trứng gà, bột năng và nước chanh tươi nhào đều, sau đó nặn thành hình giống như củ gừng, cho vào chiên vàng. Đặc biệt hơn là bánh sau khi chiên sẽ được nhúng ngay vào chảo đường sền sệt làm thành lớp áo ngọt lịm. Bên trong bánh béo ngậy, thơm lừng.
10.Hủ tiếu cà ri
Một điều khác biệt giúp hủ tiếu cà ri giữ được niềm tin của thực khách chính là hương vị ngon lạ không lẫn vào đâu được. Thay vì nấu thịt gà hay thịt dê thì hủ tiếu cà ri lại dùng thịt heo, thịt vịt xiêm để chế biến. Nước cà ri thơm ngon mà không hề có gây cảm giác ngán, mùi cà ri nhẹ nhàng phảng phất rất dễ chịu.
Sóc Trăng là vùng đất hội tụ 3 nền văn hóa Việt, Hoa và Khmer nên đặc sản Sóc Trăng làm quà cũng mang nét rất riêng không lẫn với những nơi khác. Bên trên loại đặc sản tiêu biểu nhất, bạn có thể tự mình khám phá thêm nhiều loại đặc sản khác cũng như những địa danh thú vị và nét văn hóa độc đáo của tỉnh này.