Giữa mênh mang sóng nước hồ Tây, chùa Trấn Quốc nổi bật lên như một “viên ngọc quý” khiến du khách khi bước chân vào quên hết đi dòng chảy xô bồ của cuộc sống thường nhật, hòa mình với thiên nhiên, tìm lại những giây phút tĩnh lặng của chốn thiền môn và những giá trị lịch sử văn hóa mà cha ông đã ngàn năm xây dựng.
1.Lịch sử chùa trấn quốc
Vào thời vua Lý Nam Đế (541-548), chùa có tên là Khai Quốc, và ở trên bãi Yên Hoa, bên bờ sông Hồng. Đến niên hiệu Đại Bảo, đời vua Lê Thái Tông, chùa được đổi tên thành An Quốc. Đến đời Lê Trung Hưng năm 1615, do bãi sông bị lở gần vào đến chùa, nhân dân phường Yên Hoa (sau này là Yên Phụ) mới dời chùa vào đảo Cá Vàng ở Hồ Tây, là địa điểm hiện nay của chùa. Chùa được dựng trên nền cũ cung Thúy Hoa (thời nhà Lý) và điện Hàn Nguyên (thời nhà Trần). Sau đó, người ta cho đắp đê Cố Ngự (sau đọc chệch ra Cổ Ngư) và tạo đường nối từ đê với đảo Cá Vàng.
Chùa được trùng tu với quy mô lớn nhất là vào đời vua Lê Thần Tông năm 1639. Quy mô chùa lúc này so với trước lớn hơn nhiều. Trạng nguyên Nguyễn Xuân Chính đã soạn bài văn bia dựng ở chùa vào năm 1639 về công việc tôn tạo này.
Đến niên hiệu Chính Hòa (1680-1705) đời vua Lê Hy Tông, chùa đổi tên là Trấn Quốc.
Đầu đời nhà Nguyễn, chùa lại được trùng tu, đúc chuông, đắp tượng. Năm 1821, vua Minh Mạng đến thăm chùa, ban 20 lạng bạc để tu sửa.
Đến năm 1842, vua Thiệu Trị tuần du ra Bắc, ban 1 đồng tiền vàng lớn và 200 quan tiền, đổi tên chùa là Trấn Bắc, nhưng tên chùa Trấn Quốc có từ đời vua Lê Hy Tông đã được nhân dân quen gọi cho đến ngày nay.
2.Kiến trúc chùa trấn quốc
Chùa Trấn Quốc toạ lạc trên một hòn đảo duy nhất của một hồ nước ngọt lớn nhất ở Hà Nội. Vào thời Hai Bà Trưng (40 – 43), khu vực xung quanh Hồ Tây dân cư rất thưa thớt, có các hang động vừa và nhỏ và rừng cây bao phủ, trong rừng còn có cả một số loài thú quý hiếm sinh tồn. Cùng trải qua thời gian hàng nghìn năm tồn tại của ngôi chùa, cảnh quan nơi đây bây giờ được đổi khác hoàn toàn. Bờ hồ có đường lớn bao quanh, những ngôi nhà biệt thự và công trình hiện đại hình thành… Một mặt thể hiện sự hoàn thiện tổng thể kiến trúc của thành phố, nhưng mặt khác vô tình phá vỡ cảnh quan lịch sử và tâm linh trong quan niệm sống của số dân cư bản địa.
Giống hầu hết những ngôi chùa khác ở Việt Nam, kết cấu và nội thất chùa Trấn Quốc có sự sắp xếp trình tự và theo nguyên tắc khắt khe của Phật giáo. Gồm nhiều lớp nhà với ba ngôi chính là Tiền đường, nhà thiêu hương và thượng điện nối thành hình chữ Công
Kiến trúc nơi đây có sự kết hợp hài hòa giữa tính uy nghiêm, cổ kính với cảnh quan thanh nhã giữa mặt hồ nước mênh mông mà tĩnh lặng. Chùa Trấn Quốc còn là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long vào thời nhà Lý và nhà Trần, vua và các quan thường chọn Trấn Quốc làm nơi vãn cảnh và ngự giá đến cúng lễ vào những dịp đặc biệt trong năm như lễ, Tết. Với những giá trị về lịch sử và kiến trúc, chùa Trấn Quốc là chốn cửa Phật linh thiêng, là điểm thu hút rất nhiều tín đồ Phật tử và khách tham quan du lịch trong và ngoài nước. Năm 2016, ngôi chùa cổ nhất Hà Nội với trên 1.500 năm tuổi này đã lọt vào danh sách 16 ngôi chùa đẹp nhất thế giới do báo Daily Mail (Anh) bình chọn.
Điểm nhấn riêng của chùa Trấn Quốc là vườn mộ tháp cổ vô cùng độc đáo phía sau chùa với nhiều ngôi tháp cổ có từ thời Vĩnh Hựu và Cảnh Hưng thế kỉ 18. Trong đó, nổi bật nhất có lẽ là tòa tháp lục độ đài sen 11 tầng, cao 15m được xây dựng vào năm 1998.
Mỗi tầng tháp đều có 6 ô cửa, trong mỗi ô đều đặt 1 tượng Phật A Di Đà bằng đá quý. Trên đỉnh tháp là Cửu Phẩm Liên Hoa (đài sen 9 tầng) bằng đá quý.
Từ xa xa nhìn lại, quần thể chùa tháp Trấn Quốc như hòa làm 1 với vườn cây và non nước hồ Tây, tạo nên một chốn tu hành thanh tịnh, ưu nhã khiến lòng người cảm thấy bình yên.
Mặc dù đã trải qua nhiều lần tu sửa làm thay đổi diện mạo ban đầu của chùa Trấn Quốc thế nhưng với giá trị ngàn năm lịch sử, ngôi chùa Trấn Quốc vẫn là một chốn thờ tự linh thiêng mà bất cứ du khách nào đến thủ đô đều muốn một lần ghé lại.
3.Chùa Trấn Quốc mở cửa lúc mấy giờ?
Chùa Trấn Quốc nằm trên đường Thanh Niên, quận Tây Hồ nên du khách có thể dễ dàng di chuyển bằng xe máy, ô tô hoặc xe bus để đến chùa trong tour du lịch Hà Nội 1 ngày. Chùa mở cửa hàng ngày từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều cho các Tăng ni, Phật tử và khách du lịch đến tham quan, dâng hương.
Tuy nhiên, người dân Thủ đô Hà Nội thường ghé thăm chùa Trấn Quốc vào những ngày rằm, mùng một hoặc ngày lễ Tết để cầu bình an, hạnh phúc và tìm kiếm sự bình yên trong tâm hồn sau những ngày làm việc mệt mỏi, căng thẳng.
Hàng năm, chùa còn được chọn làm nơi diễn ra những sự kiện quan trọng liên quan tới Phật giáo và nơi hành lễ của hàng triệu tín đồ, thu hút đông đảo du khách đến tham quan và khám phá.
Chùa Trấn Quốc ngày nay không chỉ nổi tiếng là chốn cửa Phật linh thiêng, thu hút rất nhiều tín đồ Phật tử đến hành lễ mà còn là điểm thu hút khách tham quan, du lịch trong và ngoài nước khi đến du lịch Hà Nội.