Bánh phu thê Bắc Ninh là món quà ý nghĩa ngày cưới – một trong những lễ vật không thể thiếu trong các gia đình phía Bắc. Bài viết dưới đây, Muaphuot.com sẽ đi tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa và những ấn tượng của loại bánh đặc biệt này.
1. Nguồn gốc – Ý nghĩa bánh phu thê Bắc Ninh
Bánh Phu Thê thường gói thành từng cặp là một trong lễ vật không thể thiếu trong đám cưới hỏi của người Kinh Bắc, như một biểu tượng chung thủy của lứa đôi.
Nếu đã có dịp đến thăm Đền Đô, phường Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh chắc hẳn không ai còn xa lạ với món bánh xu xuê bán dọc lối vào. Bánh không chỉ là thứ quà quê dân dã được lòng du khách ghé chơi, mà còn là đặc sản nổi tiếng của vùng quê Kinh Bắc với tên gọi bánh phu thê.
Có rất nhiều truyền thuyết xoay quanh sự ra đời của tên bánh. Có người kể rằng, khi vua Lý Anh Tông xuất chinh, hoàng hậu chính tay vào bếp làm ra món bánh gửi theo chồng đi đánh trận. Vua ăn thấy ngon, nghĩ đến tình vợ chồng đã đặt tên bánh là phu thê. Sau này còn có tên gọi là bánh xu xuê.
Bởi thế, ngày nay không ít các gia đình muốn dựng vợ gả chồng cho con cái đều đến Đình Bảng để đặt bánh phu thê làm lễ hỏi. Suốt một dọc đường từ cổng đền Đô kéo đến tận đình Đình Bảng, đâu đâu cũng có nhà làm bánh phu thê. Ngoài khu vực cổng đền, bánh phu thê ở Đình Bảng hầu như không phải bày bán, chào mời như ở chợ, mà chủ yếu khách tìm tới nhà để đặt mua.
2. Cảm nhận về bánh phu thê Bắc Ninh
Bánh phu thê màu vàng óng, gói trong lá dong xanh, thắt bằng chiếc lạt sơn hồng, tượng trưng cho duyên tình thắm nồng bền chặt của đôi trai gái.
Hạt dành dành đã được phơi khô, nhưng khi được ngâm nước với gạo, quả dành dành sẽ phai màu, giúp gạo chuyển màu. Gạo ngâm xong thì được nghiền mịn, quậy theo một bí quyết riêng của những dân trong nghề. Đỗ xanh, mứt, đường trộn làm nhân.
Bánh được gói trong lá chuối, hấp chín. Để bánh có màu xanh tươi đẹp mắt, người ta bọc thêm các lớp lá dong phía ngoài lá chuối. Mỗi chiếc bánh được buộc bằng sợi lạt nhuộm phẩm hồng. Bánh xếp 5 chiếc thành một cột, mỗi lần mua biếu ai, người ta sẽ mua 2 cột bánh, tức là 10 chiếc.
Bánh phu thê ăn khi vừa hấp chín xong không tiện cho lắm, vì bột vẫn còn hay bị dính. Để bánh thật nguội, hương thơm từ mùi lá vẫn cứ kích thích khứu giác, khiến ta phải mở chiếc bánh ra ngay.
3. Bí quyết làm bánh phu thê của gia đình truyền thống Bắc Ninh
Về Đình Bảng, nếu hỏi gia đình làm bánh lâu đời nhất ở đây, chắc hẳn ai cũng sẽ chỉ hướng đi về đình Đình Bảng, về nhà cụ Nguyễn Thị Lụa – một người làm bánh nổi tiếng. Được biết, dòng họ của cụ đã có 5 đời làm bánh.
Theo cô Hằng, để làm chiếc bánh phu thê ngon thì tất cả các khâu phải chọn lọc cẩn thận từ gạo nếp đến đậu xanh, lá chuối, quả dành dành.
Vỏ bánh phải chọn gạo nếp cái hoa vàng, làm bột lọc kỹ lấy tinh bột gạo nếp, (1kg bột chỉ được 3 lạng tinh bột), rồi lấy màu của quả dành dành để lên màu vàng ươm cho bánh. Đỗ phải chọn lọc, ngâm 1h trước khi đồ. Đỗ càng bở nhân sẽ càng thơm. Tinh dầu bưởi cho vào nhân bánh bắt đầu đến vụ phải chọn mua cẩn thận. Còn lá rong và lá chuối phải rửa sạch, phơi khô, lau và bảo quản.
Tất cả mỗi thứ cẩn thận một chút từ lựa chọn nguyên liệu đến luộc và ép bánh cho hết nước sẽ giúp chiếc bánh thơm ngon, bảo quản được lâu.
Hy vọng những thông tin trên bài về bánh phu thê Bắc Ninh hữu ích với người đọc.