Bánh hồng, món đặc sản của vùng đất Bình Định nhìn hao hao chè lam và nom chẳng ngon mắt mấy. Nhưng khi cắn miếng rồi thì người ăn cũng phải gật gù nghĩ lại.
Bánh hồng là một đặc sản truyền thống của vùng đất Bình Định từ thời xa xưa tới giờ, trong những mâm cưới hỏi của người Bình Định bánh hồng giống như bánh phu thê, bánh hồng thường được bầy biện trong đám cưới. Ở Bình Định mọi người thường hay đùa hoặc nhắc khéo nhau rằng: “ Bao giờ cho tui ăn bánh hồng” bạn biết không câu này có hàm ý rằng bao giờ thì bạn làm đám cưới..
Những người phụ nữ đã khéo léo hòa trộn vị ngọt thơm, bùi béo của cùi dừa để tạo thành những thức quà ngon đặc trưng như bánh phu thê, bánh tráng nước dừa… Đặc biệt, bánh hồng được coi là đặc sản đơn giản mà tinh tế nhất. Du khách đừng để bị đánh lừa bởi tên gọi “bánh hồng”, vì không có quả hồng nào trong bánh cả. Bánh hồng được tạo thành bởi sự hòa trộn mê hoặc giữa nếp mới dẻo thơm và cơm dừa dậy mùi béo ngậy.
Cũng là bánh hồng, nhưng ở mỗi vùng của tỉnh Bình Định lại cho hương vị khác biệt đôi chút. Trong đó, bánh hồng của vùng đất Tam Quan được đánh giá là đặc biệt và ngon nhất vì làm từ nếp Ngự. Món bánh trông đơn giản, dân giã vậy nhưng đòi hỏi người làm phải cực kỳ khéo léo và nhẫn nại.
Nguyên liệu chính để chế biến món bánh hồng Tam Quan là nếp, đường và dừa. Trong đó, nếp phải là loại nếp ngự hoặc nếp mới. Đầu tiên người ta tiến hành ngâm nếp cho thật mềm rồi đem xay thành bột. Tiếp đó sẽ đến công đoạn đăng bột cho thật ráo nước rồi đổ bột ra mâm. Tiếp đến người thợ sẽ đun sôi nước rồi cho từng mảng bột đã vo thành từng khối nhỏ vào nước để luộc. Có thể nói, giai đoạn luộc bột là quan trọng nhất. Bới nếu bột quá chín, bánh sẽ dễ bị chảy nước, còn bột quá sống thì bánh sẽ bị vón cục và mặt bánh không mịn màng.
Sau đó sẽ là đun sôi một phần nước khá rồi cho đường kính vào. Khuấy đều đến khi hỗn hợp sên lại, và cho bột đã luộc vào trong. Tiếp đó người thợ sẽ dùng đũa cả để đánh thật nhanh đến khi bánh và dung dịch đường hòa quyện vào nhau thì sẽ cho ra mâm cắt nhỏ.
Ban đầu, bánh có màu của bột nếp chín trong trong. Về sau, để bánh đẹp bắt mắt hơn, người ta dùng các loại lá cây, quả để tạo màu tự nhiên xanh, đỏ, hồng cho bánh. Bánh hồng được làm theo cách tự nhiên, không chất bảo quản và được ăn trong 4- 5 ngày sau 4-5 ngày có thể bảo quản lạnh.
Bánh hồng dai dai, deo dẻo, thơm mùi nếp, lại giòn giòn, sần sật dậy hương dừa và có vị ngọt vừa miệng khiến ta cứ muốn ăn mãi không thôi. Nhâm nhi miếng bánh cùng tách tà nóng, ta sẽ cảm nhận được sự thanh tao, mộc mạc và hương vị quê hương của bánh hồng. Khi đi ngang xứ Nẫu, đặc biệt là Tam Quan, hãy nhớ dừng lại thưởng thức vị ngọt ngon của bánh hồng.
Hiện nay, bánh hồng Tam Quan không chỉ là món bánh xuất hiện trong những dịp đặc biệt ở Bình Định, mà đã trở thành một đặc sản xứ dừa miền trung giản dị, đậm đà làm quà cho khách du lịch đến thăm.